08:28 26/09/2019
Lượt xem: 888
Cháo lòng Cái Tắc
Cháo lòng là món ăn phổ biến và quen thuộc với người dân Việt Nam. Nhưng riêng ở mảnh đất Hậu Giang, cháo lòng Cái Tắc lại được nâng lên thành đặc sản và trở thành “thương hiệu” của vùng sông nước này.
Cháo lòng Cái Tắc cũng được chế biến từ gạo cùng với tim, gan, phèo, phổi và thịt nạc,… nhưng lại có cách nêm nếm rất riêng.
Các nguyên liệu được bày biện trong bát, hòa quyện vào nhau tạo nên màu trắng ngà nhìn rất bắt mắt. Khi ăn, thực khách thường cho thêm giá sống, rau đắng, bắp chuối và một ít chanh, ớt.
Những buổi sáng mùa đông se lạnh, một tô cháo lòng Cái Tắc sẽ làm ấm lòng thực khách. Còn nếu thưởng thức món ăn này vào mỗi buổi tan tầm, hương vị đặc trưng của tô cháo sẽ xua tan mọi mệt nhọc.
Chả cá thác lác
Cá thác lác có thân dài, dẹp, đuôi nhỏ và vảy phủ toàn thân. Chúng được tìm thấy nhiều ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sông Đồng Nai và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên... Tuy nhiên, cá thác lác tại Hậu Giang được nhiều người biết đến nhất vì thịt ngọt, ít xương, lại có độ dẻo đặc biệt.
Khi miếng chả chín đều, bốc mùi thơm là du khách có thể thưởng thức được. Chả cá ngon nhất là chấm với nước mắm ăn kèm với các loại rau sống.
Bún gỏi già
Cùng có nguyên liệu chính là mắm cá linh nên không ít du khách nhầm lẫn bún gỏi già với món bún mắm.
Từ các nguyên liệu làm gỏi cuốn như tôm, giá, bún, rau, thịt luộc, người ta không thái nhỏ để cuốn bánh tráng mà biến tấu bằng cách cho tất cả nguyên liệu vào bát, chan nước dùng và ăn như bún bình thường.
Món ăn phải nấu chung với me mới cho ra vị chua chua, ngọt ngọt ăn không ngán.
Ngay từ miếng đầu tiên, thực khách sẽ cảm nhận được vị đậm đà của mắm, vị béo bùi của dừa, vị chua nhẹ của me hòa quyện vào chất ngọt của tôm đất và rau hẹ hăng nồng.
Ăn bún gỏi già đúng điệu phải có mắm nêm mới ngon. Tùy vào khẩu vị, có người vắt thêm nước cốt chanh, cho vào chút tương ớt hoặc rau thơm.
Sỏi mầm
Nếu chỉ nghe tên, chắc không ít người băn khoăn và liên tưởng ngay đến món “mầm đá” trong truyện Trạng Quỳnh, hoặc nghĩ mình sắp được nếm một món ăn mang hình dáng giống… sỏi. Tuy nhiên tên gọi này thực chất xuất phát từ cách chế biến.
Khi gọi sỏi mầm, thực khách sẽ được thưởng thức món thịt lợn rừng chế biến theo một cách đặc biệt. Mỗi suất ăn bao gồm 3 - 4 viên sỏi được nung thật nóng, dùng để nướng chín thịt heo rừng.
Thịt nướng chín được cuốn trong rau xà lách cùng các loại rau thơm, chấm cùng nước mắm chua cay ngọt.
Cắn một miếng thịt cuốn, thực khách sẽ cảm nhận được hương vị ngọt thơm đặc trưng của thịt lợn rừng quyện với hương thơm thanh mát, ngọt giòn, cay cay của rau thơm, xen lẫn với đó là vị chua dịu đượm đà của mắm ớt.
Ốc len xào dừa
Là món ăn chơi ưa thích của người lớn cho đến trẻ nhỏ, những con ốc len xào dừa còn làm “chết mê chết mệt” bao du khách đến Hậu Giang.
Ốc len còn được gọi là Linh Hoa, vốn là loài ốc biển tự nhiên, chỉ sống ở các cánh rừng ngập mặn hay các bãi bồi ven biển. Khi còn sống, thịt ốc màu đỏ, nhưng sau khi chế biến thì ốc lại chuyển sang màu xanh ngọc thạch.
Du khách có thể dễ dàng thưởng thức món ốc len xào dừa tại hầu hết các nhà hàng và quán ăn ven bờ biển.
Ăn ốc len, thực khách phải dùng tay chứ không gắp bằng đũa được. Khi miếng thịt ốc vừa vào miệng, lập tức vị ngọt lịm, thơm lừng lan tỏa. Lẫn trong đó là vị cay của rau răm, vị béo của nước cốt dừa cùng vị của muối tiêu chanh, làm người ăn không thể nào cưỡng lại.
Đọt choại
Đọt choại là một loại rau thuộc họ dương xỉ, mọc nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, Kiên Giang, Hậu Giang... Đọt choại có hình dáng rất lạ, trên đầu uốn cong, thân mảnh. Nhìn thoáng qua, ít ai biết đây lại là nguyên liệu để làm nên nhiều món ăn ngon.
Đọt choại có thể chế biến thành nhiều món ăn, nhưng phổ biến nhất là ăn sống hoặc luộc chấm nước cá kho, chấm tương, chao,… tuy mộc mạc nhưng càng ăn càng ghiền.
Nếu muốn cầu kỳ hơn, người ta dùng đọt choại tươi nấu canh chua với cá rô hoặc xào thịt bò, thịt heo hay tôm tép… món nào cũng hấp dẫn.